20 công nghệ và phát minh của NASA đang được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày

Posted By: Unknown - 11:28


Nhiều người trong chúng ta cho rằng công nghệ hàng không vũ trụ là những cái gì đó trên trời, vì nó toàn nghiên cứu ngoài không gian, nhưng thực tế không phải vậy. Nhờ việc nghiên cứu vũ trụ, các công nghệ kèm theo cũng có thể được áp dụng để sử dụng trong cuộc sống thường ngày, thậm chí phổ biến tới mức ai cũng biết và được sử dụng mỗi ngày, khắp nơi trên thế giới. Sau đây là top 20 phát minh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đang được chúng ta sử dụng hàng ngày.

Súng nước

Cây súng bắn nước siêu mạnh Super Soaker do Lonnie G. Johnson - kĩ sư NASA chuyên nghiên cứu việc đưa phi hành gia lên vũ trụ - phát minh và giới thiệu ra thị trường năm 1989. Súng nước là một trong những món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em, với Super Soaker, nó bắn nước nhanh và mạnh hơn bất kì sản phẩm nào ra đời trước nó. Loại súng này bán chạy tới mức nó được xếp trong top 20 món đồ chơi bán chạy nhất thế giới.


Nệm mút để lại dấu ấn

Memory foam là một loại nệm mút để lại dấu khi chúng ta ấn lên nó, được phát minh bởi NASA với mục đích làm ghế ngồi, nhằm làm giảm chấn động cho các phi hành gia mỗi khi các tàu không gian cất/hạ cánh. Loại mút này về sau được người ta ứng dụng để làm gối nệm, phục vụ cho giấc ngủ được ngon hơn.


Lớp cách nhiệt

Khi đưa con người ra ngoài không gian, NASA đã đau đầu tìm cách giúp tàu con người có thể sống được trong tàu Apollo, cũng như các bộ đồ du hành có thể bảo vệ được phi hành gia khi mặc nó. Lớp cách nhiệt sau này đã được phát minh để lót trong lớp vỏ tàu, cũng như đệm trong bộ đồ phi hành gia để bảo vệ người mặc khỏi bức xạ Mặt trời, nhiệt độ khắc nghiệt ngoài không gian. 

Ngày nay, chúng ta thấy lớp cách nhiệt được sử dụng rất nhiều, phổ biến nhất là trong xây dựng nhà cửa, dùng để cách nhiệt và chống ồn.


Đồ bơi "có vảy"

NASA từng hợp tác với công ty sản xuất đồ thể thao Speedo tạo ra một loại đồ bơi có các rãnh siêu nhỏ, mô phỏng theo lớp da của cá, theo thử nghiệm thì nó cho người mặc tốc độ bơi nhanh hơn 10-15% so với đồ bơi kiểu cũ, sản phẩm này từng được các tay bơi lội thử trong Olympic Beijing 2008 nhưng sau đó bị cấm vì không công bằng với những người khác.


Máy hút bụi không dây cầm tay

Máy hút bụi không dây cầm tay là phát minh của NASA, được họ nghĩ ra khi các phi hành gia của tàu Apollo thực hiện sứ mạng thám hiểm Mặt trăng, lúc đó NASA đã chế tạo ra loại máy hút không dây, nhỏ gọn để phi hành gia có thể hút các mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng để phục vụ cho việc nghiên cứu. Sau đó công nghệ này được thương mại hoá và nhiều hãng đã ứng dụng để sản xuất ra máy hút bụi cầm tay, xài pin, không có dây.


Máy lọc nước

Khỏi cần nói thì ai cũng biết là trên không gian không có nước, vì vậy các phi hành gia buộc phải tái sử dụng các nguồn nước có thể, thậm chí là lọc nước tiểu để uống. Công nghệ lọc nước đã có từ thập kỉ 1950, nhưng chỉ đơn thuần là việc làm trong nước chứ không loại bỏ hết vi khuẩn. Chính vì vậy NASA đã phải tự phát triển công nghệ lọc nước giúp loại bỏ hết các mầm bệnh, biến nước thải thành nước tinh khiết với hiệu suất lên tới 93% nhằm giữ an toàn sức khoẻ cho các phi hành gia.

Sau này NASA đã chia sẻ công nghệ lọc nước này cho các hãng khác sử dụng và thương mại hoá trong các máy lọc nước.




Vòng niềng răng trong suốt

Một công ty có tên là Ceradyne đã hợp tác với phòng phát triển chất liệu gốm của NASA để tạo ra TPA, một loại vật liệu từ nhựa cứng và ô-xít nhôm, vốn được NASA sử dụng trong các tên lửa tầm nhiệt, và sau này tạo ra vòng niềng răng trong suốt. Niềng răng trong suốt có tính thẩm mỹ cao hơn, người đeo sẽ đỡ bị chê xấu hơn khi "cười hở mười cái răng".


Tròng mắt kính chống trầy

Năm 1972, Cục quản lý thực phẩm & dược phẩm của Mỹ (FDA) yêu cầu các hãng sản xuất mắt kính chuyển qua sử dụng plastic để làm tròng kính, thay cho thuỷ tinh. Plastic có 3 ưu điểm tuyệt đối so với thuỷ tinh là nhẹ hơn, giá thành rẻ hơn và hấp thụ tia UV tốt hơn, tuy nhiên plastic lại có nhược điểm dễ trầy hơn thuỷ tinh rất nhiều lần, mà kính bị trầy sẽ làm giảm tầm nhìn kha khá.

Việc này đã được giải quyết nhờ một nghiên cứu của NASA đã phát minh ra một lớp phủ chống trầy cho kính, ban đầu được họ dùng phủ cho mặt kính trong nón bảo hiểm của phi hành gia. Công nghệ này sau đó cũng được chia sẻ cho các hãng sản xuất mắt kính sử dụng, giúp tạo ra những loại tròng kính chống trầy rất tốt, thay thế hoàn toàn cho tròng kính thuỷ tinh.


Thức ăn khô

Các phi hành gia trên vũ trụ buộc phải ăn thức ăn khô, bởi đồ ướt không thể lưu trữ lâu và có thể sinh ra các mầm bệnh. Điều này buộc NASA phải nghiên cứu ra công nghệ sản xuất thức ăn khô, loại bỏ triệt để nước trong thực phẩm cũng như tiệt trùng hoàn toàn. Trước khi dự án Apollo được khởi động, NASA đã hợp tác với Nestle để phát triển công nghệ sấy khô thực phẩm, giúp lưu trữ được nhiều loại thức ăn dưới dạng này. Sau này, người ta đã tạo ra được nhiều loại thực phẩm khô, trước khi ăn chúng ta tưới sữa lên đó để cho khẩu vị ngon hơn.


Máy tập thể dục

Đây cũng là một trong những phát minh quan trọng của NASA. Môi trường không trọng lực sẽ làm cơ thể các phi hành gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình là các cơ sẽ bị teo đi, xương bị loãng dần. Chính vì vậy NASA đã tạo ra các máy tập thể dục để họ có thể tập luyện mỗi ngày trên không gian, giữ cho cơ thể khoẻ mạnh, không bị liệt vì "ít vận động".


Máy đo đường huyết

Trong lúc phát triển tàu vũ trụ Mars Viking, NASA đã phát minh ra máy đo đường huyết cá nhân để giúp theo dõi lượng insulin trong máu của các phi hành gia. Sau này thiết bị này được phổ biến và trở thành thiết bị theo dõi không thể thiếu của những bệnh nhân đái tháo đường.


Nhiệt kế hồng ngoại đo bằng tai

Từ năm 1991 trở về nước, người ta vẫn dùng nhiệt kế thuỷ ngân để đo thân nhiệt cho người bệnh. Việc đo nhiệt độ cho một đứa trẻ không hề dễ dàng chút nào, mà nhiệt kế thuỷ ngân lại không chính xác 100% và khó đọc chỉ số, do đó một công ty y khoa là Diatek đã ứng dụng công nghệ sử dụng tia hồng ngoại để đo nhiệt độ các hành tinh của NASA để tạo ra các thế hệ nhiệt kế điện tử hồng ngoại, giúp đo thân nhiệt nhanh và chính xác, cho kết quả chỉ sau 2s.


Máy chụp CT

Sau khi tàu Apollo đáp được lên Mặt trăng, phòng nghiên cứu lực đẩy JPL của NASA đã phát minh ra công nghệ chụp ảnh chất lượng cao gigital image processing (DPI) để ghi lại những hình ảnh của bề mặt ngôi sao này. Công nghệ này sau đó được ứng dụng trên các thế hệ máy CT cải tiến để giúp cho chất lượng ảnh chụp cắt lớp tốt hơn (NASA không phát minh ra máy chụp CT).


Phần mềm

Google và NASA đã từng nhiều lần hợp tác với nhau phát triển cách cải tiến việc lập trình phần mềm. Họ đã cho ra đời nhiều dự án như bản đồ 3D của Mặt trăng, sao Hoả, theo dấu thời gian thực của trạm vũ trụ ISS, dự báo thời tiết thời gian thực... 


Chống đóng băng động cơ máy bay

Trong phim Iron Man 1 có cảnh lần đầu thử nghiệm bộ giáp Mark II, vì quá phấn khích khi bay được nên Tony đã bay quá cao, khiến bộ giáp bị đóng băng và động cơ phản lực ngưng hoạt động. Thật vậy, khi bay quá cao, nhiệt độ âm hàng chục độ C sẽ làm động cơ máy bay bị đóng băng, rất nguy hiểm. Chính vì vậy NASA đã từng nghiên cứu ra công nghệ giúp chống đông động cơ máy bay, bằng việc sử dụng một máy làm tan băng sử dụng điện một chiều, gắn trong từng động cơ của máy bay. Thiết bị này sẽ nhanh chóng làm tan băng giúp cho động cơ hoạt động bình thường khi máy bay ở trên trời.


Máy trợ thính cấy ghép

Thập niên 1970, kĩ sư NASA Adam Kissiah đang làm việc cho dự án tàu con thoi đã ứng dụng các công nghệ của NASA trong kĩ thuật viễn trắc, âm thanh và rung động để tạo ra một thế hệ máy trợ thính tốt hơn theo dạng cấy ghép, nó thu âm thanh và truyền trực tiếp tới bộ não của người được cấy ghép.


Kĩ thuật gỡ mìn không nổ

NASA và Thiokol Propulsion đã cùng nhau phát triển một loại pháo sáng có khả năng giúp phá các loại mìn gài dưới đất mà không cần kích nổ chúng. Khi xác định được vị trí của bãi mìn, pháo sáng sẽ được bắn tới chỗ mìn và bốc cháy, đốt hết ruột của mìn từ đó giúp gỡ mìn mà không làm nổ nó. Loại pháo này có tên gọi là Demining Device Flare.


Tấm năng lượng Mặt trời

NASA đứng đầu một tổ chức có 28 thành viên, đã cùng nghiên cứu ra loại tấm năng lượng Mặt trời để sử dụng trong các máy bay không người lái, tàu vũ trụ, trạm ISS. Loại tấm pin này có hiệu suất cao hơn thế hệ cũ tới 50%, ngày nay đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. 


Máy báo khói

Loại máy này hiện nay không thể thiếu trong những toà nhà cao tầng, công trình công cộng, nó giúp phát hiện có khói và reng chuông báo động cũng như kích hoạt hệ thống chữa cháy tự động. NASA từng hợp tác với Honeywell Corp để phát triển ra thế hệ máy báo khói mới, tiên tiến hơn loại cũ rất nhiều, có độ chính xác cao cũng như chỉ cần cấp nguồn từ một viên pin AA.


Chân tay giả

NASA đã chia sẻ công nghệ chế tạo robot và tàu không gian của họ, cũng như hợp tác với nhiều tổ chức khác để nghiên cứu và phát triển ra các thế hệ chân tay giả hiệu quả hơn, giúp người khuyết tật mất tay chân có cơ hội hồi phục các chức năng cơ thể.

Công Ty Hoàng Cương

Công Ty TNHH Hoàng Cương Composite là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm được sản xuất từ nhựa composite, FRP, sợi thủy tinh, sợi carbon như tấm carbon, vải sợi carbon, mô hình triển lãm và ứng dụng từ nhựa composite, bồn chứa FRP, thùng chở hàng nhựa composite cốt sợi thủy tinh...

Ads

Copyright © 2015 All Rights Reserved

Designed by Templatezy